Thông báo

Hà Nội đẩy mạnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu

August 5, 2020

(TBTCVN) - Trong tháng 5/2020, ngay sau đợt cao điểm phòng chống dịch Covid-19, Cục Hải quan Hà Nội đã chủ động triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất kinh doanh, góp phần tăng thu ngân sách.

QUYẾT ĐỊNH 1304/QD-TCHQ VỀ TRIỂN KHAI THÍ ĐIỂM ĐỀ ÁN THAM VẤN TRỊ GIÁ HẢI QUAN MỘT LẦN SỬ DỤNG KẾT QUẢ NHIỀU LẦN

Tổng cục hải quan ra Quyết định 1304/QĐ-TCHQ về triển khai thí điểm đề án tham vấn trị giá hải quan một lần sử dụng kết quả nhiều lần có hiệu lực từ 10/5/2020 tạo điều kiện thúc đẩy doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Bản phê duyệt đề án thí điểm “Tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần”, với các mục tiêu như sau:

  • Tạo thuận lợi thương mại trong công tác kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan đối với các Doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, có ý thức hợp tác, gắn bó với cơ quan hải quan.
  • Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian thông quan và giải phóng hàng, giảm khối lượng công việc cho cơ quan hải quan và cộng đồng Doanh nghiệp trong công tác khai báo, kiểm tra, xác định trị giá hải quan.
  • Nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức hải quan trong công tác kiểm tra, tham vấn, xác định trị giá hải quan; khuyến khích tính tuân thủ của Doanh nghiệp trong khai báo trị giá hải quan và hợp tác với cơ quan hải quan.
  • Tăng cường công tác quản lý trị giá trong toàn ngành, ngăn chặn tình trạng “hàng hóa di chuyển” từ nơi xác định trị giá hải quan cao sang nơi xác định trị giá hải quan thấp để làm thủ tục hải quan, gây thất thu ngân sách.
  • Xây dựng để chuẩn hóa một kho dữ liệu chuẩn trên Hệ thống quản lý dữ liệu trị giá hải quan (kho bao gồm các tờ khai đã được kiểm tra và có độ tin cậy cao về mức giá), theo đó thiết lập kho dữ liệu gồm trị giá hải quan do cơ quan hải quan xác định hoặc chấp nhận, có độ tin cậy cao và được sử dụng chung cho toàn ngành.

Nội dung của phê duyệt đề án thí điểm “Tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần”:

Đề án thí điểm Tham vấn một lần, sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần là việc áp dụng kết quả tham vấn của lần xuất khẩu, nhập khẩu trước cho các lần xuất khẩu, nhập khẩu tiếp theo trong phạm vi một Chi cục Hải quan, hoặc nhiều Chi cục Hải quan thuộc một Cục Hải quan, hoặc nhiều Chi cục Hải quan thuộc nhiều Cục Hải quan khác nhau theo Quy trình ban hành và áp dụng Thông báo sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần ban hành tại Phụ lục đính kèm Quyết định này. Theo đó, việc tham vấn trị giá hải quan sẽ chỉ phải thực hiện một lần nhưng kết quả tham vấn sẽ được sử dụng nhiều lần, góp phần giảm thời gian, chi phí cho cả cơ quan hải quan và người khai hải quan.

KẾT QUẢ KHẢ QUAN: SỐ THU ĐẠT HƠN 31% DỰ TOÁN

Theo đánh giá của Cục Hải quan Hà Nội, nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK), tăng cường áp dụng các biện pháp chống thất thu qua giá tính thuế, số thu ngân sách của đơn vị có dấu hiệu khả quan sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Cụ thể, trong tháng 5/2020, Cục Hải quan Hà Nội đã chỉ đạo các chi cục hải quan, đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và tiến hành làm việc với một số DN lớn và UBND tỉnh, thành phố (địa bàn quản lý về hoạt động XNK) như Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hòa Bình về việc tạo thuận lợi thương mại, tìm giải pháp hỗ trợ DN trong quá trình làm thủ tục hải quan, thông quan nhanh các lô hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Bước đầu việc triển khai Quyết định 1304 đã được DN hưởng ứng đón nhận… Việc áp dụng tham vấn giá trị hải quan một lần sử dụng kết quả nhiều lần giải quyết được khó khăn về chi phí hành chính, thời gian làm thủ tục thông quan cho DN. Cách làm này là một bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính của cơ quan hải quan, góp phần giúp DN phục hồi sản xuất, xuất khẩu…, sau khi bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Bên cạnh việc tạo thuận lợi cho hoạt động XNK, trong tháng 5/2020, Hải quan Hà Nội cũng đẩy mạnh công tác chống thất thu theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan. Đơn vị đã kiểm tra, rà soát các tờ khai tham vấn trong kỳ, chấn chỉnh kịp thời công tác kiểm tra trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: mặt hàng rượu vang nhập khẩu từ năm 2019; mặt hàng thép không hợp kim, tấm đệm bằng cao su xốp, gạch ốp lát (Chi cục Hải quan KCN Bắc Thăng Long, Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư gia công); mặt hàng xe mô tô nhập khẩu (Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội). Cục cũng triển khai việc áp dụng Danh mục sửa đổi bổ sung một số mặt hàng tại danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về trị giá và áp dụng mức giá tham chiếu; Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu rủi ro về phân loại hàng hóa và áp dụng mức thuế.

Với những biện pháp tổng thể nêu trên, 5 tháng đầu năm 2020, Cục Hải quan Hà Nội đã thu ngân sách đạt 7.476 tỷ đồng, đạt hơn 32% dự toán, bằng hơn 95% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, số thu tại địa bàn Hà Nội đạt 5.960 tỷ đồng, bằng 32,4% dự toán, bằng 98% cùng kỳ năm 2019.

TRIỂN KHAI CHÍNH THỨC HỆ THỐNG MỘT CỬA QUỐC GIA VÀ HỆ THỐNG GIÁM SÁT HẢI QUAN TỰ ĐỘNG ĐƯỜNG HÀNG KHÔNG

Đề cập đến mục tiêu trọng tâm trong tháng 6/2020, ông Trần Quốc Định - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho biết, đơn vị đang tập trung vào việc triển khai Hệ thống một cửa quốc gia (NSW) và Hệ thống quản lý, giám sát hải quan tự động đường hàng không (VASSCM) tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Cục Hải quan Hà Nội sẽ sớm trình Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính quyết định thời điểm chính thức triển khai NSW và VASSCM đường hàng không tại Nội Bài trong tháng 6/2020.

Trên thực tế, Cục Hải quan Hà Nội được Tổng cục Hải quan giao nhiệm vụ triển khai thí điểm Hệ thống NSW và VASSCM từ cuối năm 2017. Đến nay, NSW và VASSCM đã được hoàn thiện và có thể chính thức triển khai mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Lãnh đạo Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài cho biết, đơn vị đang phối hợp với các đơn vị chức năng của Cục Hải quan Hà Nội, Cục Giám sát quản lý giám sát hải quan, Tổng cục Hải quan hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, phần mềm khai báo của các hàng hãng không, các chuyến bay đi và đến.

Đơn vị cũng đã và đang hỗ trợ các hãng hàng không trong nước thực hiện chuyển đổi số, hiện đại hóa hệ thống quản lý khai thác bay theo chuẩn mực quốc tế. Đến nay, tỷ lệ xử lý và thiết lập tự động thông tin hàng hóa dự kiến xếp dỡ đưa qua khu vực giám sát đạt 91,3%. Tỷ lệ này đã đáp ứng yêu cầu để triển khai chính thức hệ thống đạt hơn 90%...