Theo ông Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố một kết quả khảo sát tại các ngân hàng thương mại Việt Nam cho thấy, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói.
Vừa qua, Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam
Buổi diễn đàn diễn ra với nhiều ý kiến xoay quanh lợi ích thiết thực mà ngân hàng số mang lại cho doanh nghiệp, đưa ra các giải pháp hỗ trợ mở rộng tín dụng có hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, các sản phẩm công nghệ tài chính...
Theo ông Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì công nghệ hay cụ thể hơn là công nghệ thông tin và bưu chính viễn thông đang dần thay đổi cơ bản hình thức cung ứng các dịch vụ tài chính – ngân hàng của toàn thế giới.
Ngoài ra, thì sự xuất hiện của các công ty công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) với chi phí thấp hơn và phạm vi bao phủ rộng hơn cũng là một trong những nhân tố góp phần thay đổi những mô hình kinh doanh truyền thống đã không còn hợp thời đại.
Các chuyên gia IT cho rằng, quá trình tái tạo số sẽ thay đổi diện mạo của ngân hàng, tạo ra nhiều giá trị mới: Trải nghiệm khách hàng tốt hơn; chất lượng vận hành, dịch vụ tốt hơn, hiệu quả hơn; giảm chi phí vận hành; nhiều năng lực, dịch vụ sáng tạo hơn; an toàn bảo mật hơn.
Theo ông Hòe, số hóa giúp các ngân hàng tiết kiệm từ 60-70% chi phí và một khi đã tiếp cận với số hóa, các ngân hàng có xu hướng tiếp cận ngày càng sâu hơn với dịch vụ ngân hàng số, tích hợp đa chiều trong cung ứng dịch vụ tài chính trọn gói. Tuy nhiên, để phát triển và ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng cũng xảy ra nhiều thách thức, cần phải thay đổi về thể chế, vốn đầu tư, nguồn nhân lực có kiến thức để áp dụng công nghệ mới, xử lý được rủ ro hiệu quả và phải bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng tài chính.
Bà Nguyễn Thùy Dương - Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Fintech, Hiệp hội ngân hàng cũng đưa ra quan điểm rằng: Đến năm 2025, dự kiến có khoảng 1/3 doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới. Bà cho rằng, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp, tổ chức tính dụng ở Việt Nam đã có nhận thức về việc chuyển đổi số. Cụ thể, có 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số, 28% đã và đang thực hiện triển khai chiến lược chuyển đổi số tích hợp với chiến lược kinh doanh, 11% đã phê duyệt và triển khai chiến lược chuyển đổi số riêng.
Phần lớn các tổ chức tín dụng tham gia khảo sát hiện đang triển khai đa dạng dịch vụ cho khách hàng trên kênh số như chuyển tiền, tiết kiệm trực tuyến, thanh toán hóa đơn, thanh toán thương mại điện tử. Hiện, có tới 41,2% tổ chức tín dụng kỳ vọng triển khai dịch vụ đăng ký và xét duyệt khoản vay trên kênh số.
Tham khảo thêm: Bỏ đóng dấu tay, thay ngay ký số
Các ngân hàng còn tập trung số hóa các hoạt động nghiệp vụ, vận hành nội bộ. Theo đó, có tới 73% tổ chức tín dụng số hóa quy trình hoạt động liên tục, 47,6% tổ chức tín dụng số hóa hệ thống quản lý quan hệ khách hàng, 42,8% tổ chức tín dụng thực hiện chữ điện tử và số hóa chữ ký nội bộ.
Bà Dương cho rằng những vướng mắc còn tồn tại ở các ngân hàng Việt Nam trong hành trình thực hiện số hóa do phần lớn các ngân hàng không xác định rõ tầm nhìn về số hóa ngân hàng và mối liên hệ với chiến lược kinh doanh của ngân hàng.
Bên cạnh đó, chưa có khung pháp lý với các ý tưởng về các sản phẩm số hóa hoàn toàn mới, dẫn đến các ngân hàng dè dặt trong việc ra mắt các sản phẩm mới. Ngoài ra, phương thức làm việc tại nhiều ngân hàng vẫn còn theo lối cũ. Hầu hết các ngân hàng gặp thách thức với các hệ thống hiện tại và vấn để này cần được giải quyết ở chiến lược công nghệ thông tin.
“Chuyển đổi số là một hành trình và trong thời đại công nghệ số, mọi tổ chức cần phải suy nghĩ như một nhà chiến lược, đổi mới như một công ty khởi nghiệp, thiết kế như một tập đoàn công nghệ, quy mô như một nhà đầu tư mạo hiểm”, bà Dương nói.